Trên miền đất đỏ Bazan: Kỳ 5 – Làng Kon K’Tu Kon Tum, cầu Kon K’lor và dòng sông ăn thịt người

Thứ bảy - 12/09/2015 13:58
Chuyến xe bus Đức Long chẳng mấy chốc đã đưa chúng tôi ra khỏi thành phố Pleiku rồi nhằm hướng Kon Tum mà thẳng tiến. Hai thành phố này chỉ cách nhau 49 cây số nên việc đến và về trong ngày rất thuận tiện. Trạm cuối của xe bus là một bến đỗ nhỏ nằm bên kia cầu Đắk Bla.
Kon Tum thành phố tôi yêu...
Kon Tum thành phố tôi yêu...
Đi Kon Tum, cũng như đến Gia Lai, là những cuộc hành trình nằm ngoài dự định ban đầu, do đó chúng tôi cũng không có nhiều thông tin về nơi đây cho lắm. Ba đứa xuống xe vừa tìm cách từ chối cánh xe ôm, vừa dáo dác nhìn xung quanh để xác định vị trí nơi này. Theo cái bản đồ sơ sài trong cuốn cẩm nang du lịch thì chỗ bọn tôi đang đứng khá gần với di tích lịch sử nhà ngục Kon Tum. Vậy nên địa điểm đầu tiên ở Kon Tum chúng tôi sẽ đến thăm sẽ là một nhà ngục.
 
Chẳng ai trong ba đứa bọn tôi biết thêm gì về cái nhà ngục này trừ việc nó cách con đường chính hơn một cây số. Đường dẫn vào nhà ngục được trải nhựa, nhưng cũng chỉ được một đoạn ngắn, vì sau đó là đoạn đường đá đỏ đặc trưng của vùng Tây Nguyên. Tuy thuộc địa phận của thành phố nhưng hai bên đường dân cư vẫn còn thưa thớt. Lâu lâu chúng tôi lại bắt gặp một vài cây to mọc chơ vơ bên mép đường, còn phía xa là những ngọn núi màu xanh nhợt nhạt. “Tôi đang bước chân giữa Tây Nguyên” – lần đầu tiên kể từ khi đặt chân tới vùng đất bazan này mà tôi có cảm nhận rõ rệt về điều đó đến thế.
 
Nhà ngục Kon Tum nằm ở cuối con đường, nhưng khi chúng tôi đến thì nó đã bị khóa cửa từ bao giờ. Thấy chúng tôi tới nên bác bảo vệ giữ cổng thông báo đang giờ nghỉ trưa nên khu di tích đóng cửa và bảo chúng tôi quay lại vào đầu giờ chiều. Tất nhiên ba người bọn tôi không thể nào quay về một cách lãng nhách kiểu như vậy khi đã cất công đi bộ hơn một cây số giữa trời nắng để tới được đây. Vậy là chúng tôi đành tìm cách năn nỉ bác bảo vệ để bác ấy cho vào. Cũng may là bác bảo vệ thông cảm với hoàn cảnh du lịch bụi của ba đứa nên cuối cùng bác cũng chịu mở cổng. Bọn tôi cám ơn rồi nhanh chóng vào xem nhà ngục.
 
kon tum
 
Toàn cảnh khu di tích lịch sử ngục Kon Tum
 
Nhưng trái với suy nghĩ ban đầu về một khu giam giữ tù nhân, ở đây chẳng hề có một buồng giam hay thậm chí là vết tích của một khu nhà ngục nào. Thì ra ngục Kon Tum đã bị phá hủy từ lâu. Hiện giờ trên cái nền nhà ngục người ta có cho xây một khu tưởng niệm về di tích này. Khuôn viên khu này có một nhà trưng bày các hiện vật liên quan tới đời sống trong tù, còn ở phía trung tâm là bức tượng những người cộng sản từng bị giam cầm với xiềng xích trên tay nhưng vẫn thể hiện thái độ kiên cường bất khuất. Gần tượng đài là hai ngôi mộ tập thể của những tù nhân chính trị đã hy sinh trong thời gian bị thực dân Pháp bắt giữ và tra tấn tại đây.
 
kon tum
 
Tượng đài các chí sĩ ngục Kon Tum
 
kon tum
 
Hai ngôi mộ tập thể
 
kon tum
 
Gò đất này đắp bằng xương máu của rất nhiều người tù
 
Do đang giờ nghỉ trưa nên chúng tôi không thể đi vào nhà trưng bày để xem các hiện vật còn sót lại của nhà ngục này được, vậy là cả bọn hướng ra phía bờ sông Đắk Bla kế bên để hóng gió. Đoạn sông này trông thật hiền hòa, hoàn toàn trái với cái tên của nó (Đắk Bla có nghĩa là “dòng sông ăn thịt người” theo cách gọi của người Bana bản địa). Bên kia bờ có một khu dân cư nho nhỏ và một nhà thờ khuất mình sau đám tre xanh rì. Còn phía bên đây bờ, trên con đường đất đỏ ven sông, là những đứa trẻ lấm lem với làn da sạm cái nắng Tây Nguyên đang cố điều khiển một chiếc xe bò kéo, trong khi những người lớn hơn thì đang chất đồ lên xe. “Không ngờ làng quê nơi đây lại mang một vẻ đẹp thanh bình đến thế” – tôi nghĩ thầm.
 
kon tum
 
Bên kia sông
 
Chúng tôi không nán lại nơi này quá lâu vì theo tấm bản đồ thì quanh thành phố cũng còn vài điểm thú vị để tham quan. Trời cũng đã đứng bóng, cả ba không thể đi bộ thêm được nữa vào lúc này nên quyết định gọi taxi để đến nhà thờ gỗ.
 
Có lẽ khi nhắc đến thành phố nhỏ bé này người ta sẽ nghĩ ngay tới ngôi nhà thờ gỗ trên đường Nguyễn Huệ. Đây là một kiến trúc tôn giáo độc đáo của Kon Tum và cả vùng Tây Nguyên. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1913, đến năm 1918 thì cơ bản hoàn thành. Đây là tác phẩm thể hiện sự giao thoa giữa kiến trúc Đông – Tây. Những người thợ xây dựng thời ấy, bằng các phương pháp thủ công và đôi bàn tay khéo léo của mình đã tạo nên một công trình đồ sộ từ gỗ cà chít, một loại cây gỗ cực kỳ bền chắc mọc tại địa phương. Còn kiến trúc của nhà thờ hoàn toàn theo phong cách Châu Âu với cổng chính hình vòm cung, mái nhọn, tháp chuông và những cửa kính màu đặc trưng của một nhà thờ Công giáo.
 
kon tum
 
Nhà thờ gỗ Kon Tum nhìn từ phía chính diện
 
Ba bọn tôi tiến vào phía thánh đường. Nội thất nơi đây cũng đều được làm bằng gỗ với những vết chạm khắc khá công phu trên cửa chính và từng ô cửa sổ. Chúng tôi khá choáng ngợp bởi hệ thống cột kèo tạo hình mái vòm trên đầu. Vì đang giữa trưa, lại không phải là cuối tuần nên ngoài bọn tôi ra bên trong nhà thờ cũng không còn ai. Không gian thật sự vắng lặng nhưng không hề u ám mà lại rất trang nghiêm.
 
kon tum
 
Bên trong nhà thờ
 
kon tum
 
Một trong hai cửa phụ hai bên
 
Chúng tôi trở ra phía hành lang để đi dạo khu còn lại của nhà thờ. Những cây sứ trắng cổ thụ trong khuôn viên nơi đây đang vào mùa nở hoa thơm phức. Phía sau nhà thờ là một cô nhi viện thu nhận những trẻ em các dân tộc ít người bị bỏ rơi, hoặc được cứu sống trước những hủ tục kinh khủng của đồng bào thiểu số. Được biết trước đây do nhận thức của đồng bào dân tộc còn thấp, họ quan điểm nếu người mẹ khi sinh con mà chẳng may qua đời thì phải chôn sống đứa con theo mẹ để tránh tai họa cho cả làng; hoặc khi một người mẹ sinh đôi thì phải chôn đi đứa con sinh sau. Các sơ trong cô nhi viện này đã không ít lần cứu sống những đứa trẻ như thế để đem về đây nuôi dạy.
 
kon tum
 
Hành lang dẫn ra phía sau nhà thờ
 
Đang ngồi nghỉ mệt trên ghế đá dưới gốc sứ thì gặp hai vợ chồng chú kia cũng từ nơi khác chạy xe máy đây để du lịch. Tôi trông họ có vẻ ra chất “bụi” nhiều hơn nhiều so với ba đứa chúng tôi. Chú hỏi bọn tôi đã đi được những đâu rồi, vậy là tôi kể tất tần tật những nơi mình đã đi qua tại Ban Mê Thuột, rồi đến Pleiku như thế nào, về cái nhà ngục lúc nãy ra sao. Chú khuyên đã tới Kon Tum này thì phải đến Măng Đen cho biết, chú vừa từ nơi đấy trở về. Theo lời chú thì Măng Đen rất lạnh và rất hoang sơ, so ra với Đà Lạt thì cảnh đẹp nơi đây ăn đứt. Tôi nói rằng tôi cũng muốn đi đến đấy, nhưng vì không có xe, vả lại thời gian gấp rút quá nên bọn tôi không thể nào đến Kon Plông thăm rừng thông Măng Đen trong ngày được. Nghe vậy chú tiếp tục nhiệt tình khuyên chúng tôi nên ở lại Kon Tum này một ngày nữa và ngay bây giờ khởi hành đi Măng Đen thì có thể vẫn còn kịp. Tôi nghe cũng hay nhưng chợt nhớ ra là tất cả đồ đạc đã gởi lại khách sạn ở Pleiku, vả lại sáng mai còn phải ra bến xe Đức Long mua vé về nên không thể nào theo cái kế hoạch lý thú mà ông chú tốt bụng đưa ra được. Bọn tôi cám ơn rồi chào tạm biệt để tiếp tục chuyến hành trình gấp rút của mình.
 
Từ nhà thờ gỗ chúng tôi đi tiếp một đoạn theo đường Nguyễn Huệ thì bắt gặp một quán thịt thỏ. Bọn tôi rẽ vào đây để kiếm chút gì đó ăn trưa. Thật ra chỗ này giống như quán nhậu hơn là một quán ăn. Vây quanh chúng tôi là ba bốn bàn nhậu và người ta thì đang cụng ly côm cốp. Nhưng lúc này cái đói đã không còn cho phép cả ba quan tâm nhiều đến xung quanh nữa. Chúng tôi lập tức kêu ra ba cái đùi thỏ quay cho thỏa mãn cơn cồn cào trong dạ dày. Phải một lúc lâu sau đó thì thức ăn mới được dọn ra, và phải một lúc lâu nữa thì thức ăn mới thật sự được chế biến lại cho chín. Nhưng bù lại thịt thỏ ở quán này nêm nếm cực kỳ ngon miệng.
 
kon tum
 
Cái đùi thỏ sau khi đã nướng lại lần hai
 
Bọn tôi ra khỏi quán lúc hơn một giờ trưa. Xem lại bản đồ thị địa điểm du lịch gần đây nhất là nhà rông Kon K’lor và làng Kon K’tu của người Bana. Vậy là chúng tôi tiếp tục đi theo chỉ dẫn của tấm bản đồ. Thực tế đoạn đường từ quán ăn đến cầu Kon K’lor khá xa so với những gì được vẽ trên giấy. Phải mất gần một tiếng đi bộ theo con đường trước quán và đường Trần Hưng Đạo thì chúng tôi mới thấy được mái nhà rông Kon K’lor thấp thoáng phía sau hàng cây.
 
kon tum
 
Cận cảnh nhà rông Kon K’lor
 
kon tum
 
Cây nêu dựng giữa sân nhà rông
 
Nhà rông Kon K’lor được xây trên một khu đất trống bên bờ sông Đắk Bla, cạnh đó là cây cầu treo cùng tên bắt qua sông. Nhà rông này được đánh giá là một trong những ngôi nhà rông đẹp nhất và lớn nhất của người Bana. Hai cầu thang dẫn lên nhà rông được đẽo từ hai khúc gỗ nguyên khối to tướng, trông cực kỳ chắc chắn nhưng cũng không hề dễ leo chút nào khi sàn nhà nằm khá cao so với mặt đất. Đây là lần đầu tiên chúng tôi thật sự vào một ngôi nhà rông, mà lại là một nhà rông to và đẹp thế này nên không khỏi tâm trạng háo hức. Không gian bên trong nhà rông rất rộng rãi, nhưng cái làm bọn tôi choáng ngợp nhất chính là hệ thống cột kèo bằng tre nứa giăng mắc như lưới nhện trên đầu. Chính nhờ vào chúng mà người Bana mới có thể dựng được mái nhà rông cao và vững chãi tới như vậy. Sàn nhà được lát bằng gỗ bóng loáng, còn bốn bên là những tấm phên tre nứa chắn lại. Có vài tấm phên dùng để che cửa phụ được đan lát rất đẹp với các hoa văn như trên những tấm thổ cẩm, ai mà không để ý ngồi dựa vào tấm phên này sẽ trượt chân ngã ngay xuống đất.
 
kon tum
 
Cầu thang gỗ được đẽo nguyên khối
 
kon tum
 
Mái nhà rông chằng chịt cây đan xen vào nhau
 
kon tum
 
Đừng chú ý đến gã này, hãy nhìn vào tấm phên sặc sỡ
 
Ngồi nghỉ mệt trong nhà rông một lát thì bọn tôi quyết định rời khỏi chỗ này để đi sang làng Kon K’Tu. Đây là một làng văn hóa của người Bana bản địa nằm heo hút phía ngoài rìa của thành phố Kon Tum. Làng đã được hình thành từ lâu nhưng vài năm trở lại đây mới được nhiều khách du lịch biết đến, và chủ yếu cũng là khách nước ngoài. Nhìn chung những thông tin du lịch về làng Kon K’Tu lúc ấy còn rất ít ỏi.
 
Để đến được làng chúng tôi phải qua cầu treo Kon K’lor gần đấy. Khác với những cây cầu treo ở thác Dray Sap, cầu treo Kon K’lor dài và vững chãi hơn nhiều. Cầu đươc xây dựng hoàn toàn bằng sắt thép rất kiên cố. Nhìn từ trên cầu, dòng sông Đắk Bla đoạn này đã mất đi cái vẻ hiền hòa thơ mộng như đoạn chảy qua nhà ngục. Nước sông một màu đục ngầu cuồn cuộn chảy dưới cầu. Mỗi lần có chiếc xe công nông nào chạy qua là cầu lại rung lắc và kêu ken két làm cả ba chúng tôi không khỏi ái ngại.
 
kon tum
 
Cầu treo nhìn từ phía nhà rông Kon K’lor
 
kon tum
 
“Dòng sông ăn thịt người” đục ngầu chảy phía dưới
 
Thật ra khi đã qua phía bên kia bờ sông rồi thì tôi cũng không còn biết làng Kon K’Tu nằm ở đâu hay cách chỗ chúng tôi đứng bao xa. Tấm bản đồ vẽ đến cầu Kon K’lor rồi đánh một mũi tên to tướng chỉ hướng làng Kon K’Tu mà không ghi cụ thể thêm bất kỳ thông tin nào nữa, nên giờ nó cũng trở nên vô dụng với con đường đầy ngã rẽ trước mặt. Không biết phải làm sao nên chúng tôi quyết định ghé vào quán cà phê gần đấy để giải khát, sẵn hỏi thăm đường vào làng.
 
Quán cà phê này tên là Quỳnh Hương. Chủ quán là một người phụ nữ đã đứng tuổi và cà phê của cô pha thì cực kỳ ngon. Theo lời cô chia sẻ để có được cốc cà phê tuyệt vời thế này cô đã pha ba loại cà phê khác nhau. Khi chúng tôi hỏi từ đây đi bộ vào làng Kon K’Tu khoảng bao lâu thì cô nói rằng ba đứa không nên đi bộ vì từ đây đến làng tốn hơn sáu cây số, như vậy cả đi lẫn về sẽ là mười hai cây. Tôi hỏi gần đây có xe ôm không thì cô bảo rằng không. Vậy là chúng tôi đành hết cách, nhưng lúc đấy tôi chợt nảy ra ý định sẽ thuê một chiếc xe máy của cô và nhờ cô dẫn đường để vào làng. Khi nghe chúng tôi đưa ra lời đề nghị này thì cô đồng ý ngay vì quán cà phê cũng có vẻ không được đắt khách là mấy.
 
kon tum
 
Đường vào làng Kon K’Tu của người Bana
 
Vừa chở tôi cô bảo tôi rằng lúc còn trẻ cô cũng hay vào làng để thu mua hạt bời lời về bán lại (sau này tôi mới được biết là người ta mua hạt bời lời về để ép dầu làm xà bông), nhưng hơn chục năm nay thì cô không còn tới đây nữa. Cô kể đường xá vào làng bây giờ đã được lót bê tông chứ ngày xưa chỉ là đường mòn, mỗi lần trời mưa bão là người ta không dám đi vì sợ gặp lũ quét. Vùng này vẫn nằm trong địa phận thành phố Kon Tum nhưng lại hoàn toàn không có chút cảnh quan nào để chứng tỏ nó là đất thành phố. Hai bên đường là những rẫy bắp và khoai mì của người dân thiểu số nằm trên sườn đồi. Thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp dăm ba căn chòi nhỏ  xập xệ bên mép đường và một vài cô cậu bé đang gánh một đống củi trên vai đi về hướng cầu treo. Tôi đoán chắc chúng đem củi vào thành phố bán lại. Trên đoạn đường đến làng Kon K’Tu bọn tôi còn đi ngang qua một ngôi làng khác. Tôi hỏi thì cô chủ quán nói rằng đây cũng là một làng của người Bana, gọi là làng Kon Jơ Dri. Làng này có vẻ không được du khách biết đến nhiều lắm vì khá nhỏ lại nằm cheo leo trên sườn núi. Làng cũng có một nhà rông nho nhỏ ở trung tâm.
 
Từ làng Kon Jơ Dri chạy xe khoảng hai cây số nữa thì chúng tôi tới được làng Kon K’Tu. Tôi nhìn quanh thấy có khá nhiều nhà dân và đám trẻ con thì đang tụ tập chơi đùa ngoài đường.  Kế bên sân làng cũng là một nhà rông, nhưng kích thước có vẻ nhỏ hơn và trông lâu đời hơn nhà rông Kon K’lor. Cạnh nhà rông có một nhà thờ cũng được làm bằng gỗ trông rất đẹp. Ở đây đồng bào dân tộc đa phần đều theo Công giáo do sự truyền bá của các giáo sĩ phương Tây từ những thế kỷ trước. Nhà rông và nhà thờ là hai công trình nổi bật nhất làng.
 
kon tum
 
Một góc làng Kon K’Tu
 
kon tum
 
Nhà rông của làng
 
kon tum
 
Nhà thờ tọa lạc trên một gò đất cao
 
kon tum
 
Mấy nhóc trong làng đang leo cây
 
So với buôn Ako Đhông của người Êđê tại Ban Mê Thuột thì làng Kon K’Tu của người Bana hoang vắng và heo hút hơn rất nhiều lần. Chúng tôi đi theo bảng chỉ dẫn để đến nhà sàn bán hàng lưu niệm cho du khách. Trên nhà sàn này là một người phụ nữ đã lớn tuổi đang ngồi dệt thổ cẩm. Hai bên vách nhà treo la liệt những chiếc khăn và quần áo người lớn lẫn trẻ em do chính tay cô dệt để bán cho du khách. Tôi được cô đề nghị mua một cái khố về mặc sẽ rất thoải mái. Tôi thấy có vẻ là lạ nên định bụng sẽ mua về để dành lưu niệm. Nhưng sau khi hỏi giá thì tôi nhanh chóng dẹp luôn cái ý định này. Thì ra sợi chỉ dùng để dệt thổ cẩm ở đây là do các nhà khoa học xã hội Nhật Bản cung cấp với mục đích nhằm duy trì ngành nghề truyền thống của người dân, do đó giá cả của chúng cũng không hề rẻ chút nào. Thật không thể ngờ giá ở đây được niêm yết bằng đôla Mỹ. Một cái khăn be bé mà đã lên tới năm trăm ngàn khi quy đổi sang đồng Việt Nam, còn cái khố tôi định mua thì cũng khoảng một triệu mấy. Tôi hỏi sao mắc vậy thì được bảo giá này là do người Nhật họ niêm yết chứ cô không biết. Tôi đoán đống thổ cẩm dệt ra chắc chỉ có thể bán cho những nhà khoa học Nhật  đến đây nghiên cứu mua về làm quà, chứ người dân mình đôi khi họ còn không biết đến chỗ này thì lấy đâu mà bán cho ai được.
 
kon tum
 
Bên trong nhà bán hàng lưu niệm bằng thổ cẩm
 
kon tum
 
Mục sở thị việc dệt thổ cẩm
 
Vì không thể mua được gì nên bọn tôi xuống cầu thang để đi tham quan tiếp ngôi làng. Phía sau làng là bờ sông Đắk Bla, bãi cát bên bờ sông rộng và khá dài. Cạnh chỗ chúng tôi đứng có một chiếc thuyền được đóng bằng gỗ đang chở gạch, lát sau có mấy thanh niên từ trên làng đến khuân đám gạch này lên bờ. Mấy năm gần đây do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại và sự khan hiếm của nhiều giống gỗ rừng nên bà con trong làng cũng đã dần quen với việc sử dụng gạch ngói để xây dựng. Phía bên kia con sông có một công trình gì đấy mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa xác định được. Đây có thể xem là công trình không mang màu sắc địa phương nhất ở ngôi làng này.
 
kon tum
 
Bãi cát bên bờ sông Đắk Bla chảy phía sau làng
 
kon tum
 
Công trình không biết gọi là gì ở phía bên kia bờ sông
 
Ngồi trên bờ sông hóng mát một hồi lâu thì ba đứa bọn tôi quay lại phía nhà rông nơi cô chủ quán đang ngồi đợi cùng với hai chiếc xe. Chúng tôi ra về nhưng trong lòng vẫn còn luyến tiếc vì đã đến tận đây rồi mà vẫn chưa được nghe âm thanh của những chiếc cồng chiêng. Thôi đành hẹn Kon K’Tu vào một dịp khác vậy. Lúc đó nhất định tôi sẽ dành thời gian uống rượu cần, ăn gà nướng và ngồi trên thuyền độc mộc xuôi dòng Đắk Bla vào đến tận rừng nguyên sinh. Còn lúc này thì chúng tôi chỉ có thể mua lại ít cà phê của cô chủ quán để đem về làm quà sau khi đã thanh toán chi phí xe cộ xong xuôi.
 
Chúng tôi qua cầu treo thì trời cũng bắt đầu mưa, vừa may lúc đấy taxi cũng đến. Bọn tôi bảo tài xế chạy thẳng ra trạm xe bus gần cầu Đắk Bla. Ngồi trú mưa đợi gần cả tiếng đồng hồ sau thì xe bus mới đến. Đây là chuyến bus cuối cùng, cũng là chiếc xe mà chúng tôi đến ban sáng.

Tác giả bài viết: Việt Anh Trích từ blogcuatheanh.wordpress.com

Nguồn phát: samtuoingoclinh.com

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Tuyên bố trách nhiệm: Thông tin trên samtuoingoclinh.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên samtuoingoclinh.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Xách ba lô lên tới Măng Đen Kon Tum,

    Xách ba lô lên tới Măng Đen Kon Tum, "Đà...

    Đến với Kon Tum, đến với Măng Đen, bạn được đến một cao nguyên đầy nắng và gió, nhưng Măng Đen cho bạn một cái gì đó nó rất khác, đối với riêng tôi, mỗi khi đến Măng Đen là một cảm giác gì đó tươi...

  • Tham quan bản làng của các dân tộc ở Kon...

    Tham quan bản làng của các dân tộc ở Kon...

    Tìm hiểu, chúng tôi biết thêm, nghề dệt thổ cẩm ở đây được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; người lớn truyền dạy cho lớp trẻ; cụ thể là phụ nữ/ con gái nhưng đơn lẻ chưa tập hợp thành tổ hợp...

  • Kon Tum: Chiêm ngưỡng chiếc cầu treo...

    Kon Tum: Chiêm ngưỡng chiếc cầu treo...

    Cầu treo Kon Klor đã trở thành niềm tự hào của người dân Kon Tum và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi ghé thăm mảnh đất này.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây