Vườn tượng được xây dựng năm 2013, sau sự kiện Liên hoan tạc tượng gỗ dân gian (từ ngày 5/3 - 18/3/2013) lần đầu tiên được tổ chức tại huyện Kon Plông trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh (9/2/1913-19/2/2013). Trên triền đồi hơn 1 hecta rừng cây nguyên sinh, ngoài những lối đi nhỏ lát đá, vườn tượng hầu như không được thiết kế gì ngoài những vị trí trưng bày 100 bức tượng gỗ do 33 nghệ nhân là đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh chế tác. Tượng gỗ thể hiện sự đa dạng, phong phú cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Bắc Tây Nguyên, như tượng đàn ông cầm rìu, vác rựa, hút thuốc, đi săn; đàn bà giã gạo, dệt vải, bồng con; các thành viên trong gia đình đi rẫy, người chơi nhạc cụ, uống rượu cần… Cùng với tượng người, tượng những con vật gần gũi với bà con như con chim, chó, mèo, heo, khỉ, rắn, voi …được chế tác, trưng bày cũng góp phần làm phong phú, gần gũi thêm vốn quý tượng gỗ của các cư dân vùng Bắc Tây Nguyên.
Nghệ nhân A Biu tạc tượng gỗ dân gian
Ông A Biu ở làng Kei Doi, xã Đăk Sú, huyện biên giới Ngọc Hồi là một trong số ít nghệ nhân tạc tượng cao niên của tỉnh Kon Tum cho biết, trong lần tham gia chế tác tượng gỗ tại huyện Kon Plông năm 2013, ông đã có tượng gỗ được trưng bày ở Vườn tượng. Đó là bức tượng gỗ người đàn ông trầm tư, được đẽo theo ý tưởng dùng trong lễ bỏ mả của người Sê đăng. Nghệ nhân A Khak ở làng Kon Đơ Xing, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy khoe có hai bức tượng người đàn ông uống rượu và người đàn bà cho con bú được lưu giữ ở đây.
Tỉnh Kon Tum là nơi hội tụ, sinh sống của hơn 20 dân tộc thiểu số anh em. Các dân tộc tại chỗ như Ba Na, Sê đăng, Dẻ -Triêng và cả một số dân tộc rất ít người như BRâu, RơMâm…đều gắn bó với mỹ thuật dân gian, biểu hiện sinh động bằng truyền thống tạc tượng gỗ. Tuỳ vào phong tục, tập quán mà mỗi dân tộc làm tượng gỗ để dùng trong lễ bỏ mả, trưng bày ở nhà rông hay trang trí trong các lễ hội của làng…Trong đó, đặc sắc nhất là tượng nhà mồ, dùng trong lễ bỏ mả. Đó là những bức tượng gỗ khá đa dạng về hình thù, sắc thái biểu cảm, được đặt ở khu vực mộ của người đã khuất; thể hiện tình cảm, niềm tiếc thương của những người sống với người đã khuất. Phổ biến là tượng người ngồi buồn, sinh hoạt gần gũi hàng ngày như người phụ nữ mang thai, đôi vợ chồng đi rẫy, hút thuốc, uống rượu cần…
Tượng thường được làm từ cây gỗ tròn, dài hay ngắn tùy thuộc vào mẫu thực tế. Không được đào tạo, không có thiết kế, bản vẽ, chỉ bằng những vật dụng đơn sơ như cái rìu, chiếc rựa, cái đục, các nghệ nhân dân gian, bằng khả năng thiên bẩm, sự cảm nhận rất riêng và tấm lòng, tình cảm chân thành của mình đã sáng tạo nên những bức tượng gỗ tuy thô ráp, mộc mạc nhưng mang hồn người gửi gắm.
Theo thời gian, nét đẹp tạc tượng dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum vẫn được gìn giữ và trao truyền, làm phong phú hơn bề dày văn hóa truyền thống. Thực sự bất ngờ và thú vị khi đến thăm Vườn tượng Măng Đen, Chị Phan Yến Ly, cán bộ quản lý điều hành SaiGontourist chia sẻ mong muốn, nếu ở đây, du khách được tận mắt chứng kiến nghệ nhân đẽo tượng, dĩ nhiên chỉ là những bức tượng nhỏ, phù hợp với điều kiện sử dụng nguyên liệu gỗ, hay có được món quà tượng gỗ kỷ niệm từ chính nơi này thì thật thú vị và ý nghĩa. Phải chăng, đó cũng chính là sự gợi mở cho hướng đi mới, nhằm tạo thêm các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn; góp phần khai thác và phát huy thế mạnh du lịch không ít tiềm năng của vùng cực bắc Tây Nguyên./.