Kỳ tích "lúa bọc thép" Ngọc Linh Kon Tum

Thứ bảy - 25/10/2014 22:40
Người Xê Đăng trên thung lũng Mường Hoong và đỉnh Ngọc Linh kể lại với nhau rằng cây lúa đã nuôi con cháu Xê Đăng đến ngày hôm nay được khởi nguồn từ xa xưa, khi một thợ săn phát hiện loài cây trĩu hạt được con chim ăn dở và bỏ lại bên bờ suối.
Kỳ tích "lúa bọc thép" Ngọc Linh Kon Tum
Kỳ tích "lúa bọc thép" Ngọc Linh Kon Tum
Nghĩ rằng “chim ăn được thì người cũng ăn được”, người thợ săn ấy đã đem hạt về gieo. Chẳng mấy chốc những hạt lạ ấy được gieo khắp đồi nương.

Lúa cách mạng

Đến Mường Hoong, Ngọc Linh hôm nay, từ triền núi nhìn xuống đã thấy bạt ngàn lúa. Cây lúa ở Ngọc Linh, Mường Hoong là câu chuyện từ huyền thoại được kể bên bếp lửa đi ra ngoài đời thực, loài cây này đã tạo nên những kỳ tích cho người Xê Đăng ở thung lũng sâm đắng này. Chủ tịch xã Mường Hoong tỏ ra hồ hởi khi giới thiệu về “nền nông nghiệp” của xã mình, một nền nông nghiệp mà tất cả mọi thứ đều được quy ra thóc lúa: toàn thung lũng Mường Hoong có gần 10.000ha đất nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa chiếm hơn một nửa. Cây lúa mỗi năm trổ bông và đẻ ra cho người Châu, người Xê Đăng ở Mường Hoong trên 1.000 tấn lúa, đủ để người dân không phải đi mua gạo bên ngoài lẫn dùng để nấu rượu uống thỏa thích. Còn A Hen - chủ tịch xã Ngọc Linh, nơi nổi tiếng là “rốn sâm” - cũng tự hào không kém: chỉ với 301ha ruộng bậc thang, người Xê Đăng ở Ngọc Linh mỗi năm làm ra nguồn lúa đủ để con cháu ăn từ năm này qua năm khác. “Cây lúa đỉnh Ngọc Linh là loài cây lạ lùng và đặc biệt, không đơn thuần chỉ là loài cây lương thực cho bà con ăn no cái bụng mà đó là loài cây quý, loài cây thiêng” - ông A Hen nói.

Theo lời ông A Hen, lúa ở Ngọc Linh nhiều đến nỗi cho đến cả ngày nay người Ngọc Linh không bao giờ phải mua lương thực bên ngoài. Những năm chiến tranh, đất nước đang còn nhiều nơi đói khổ nhưng người Xê Đăng ở Ngọc Linh bốn mùa lúa đã chất đầy kho. Giặc đến, những ngày đó người Xê Đăng khắp nơi cõng lúa nuôi bộ đội, đổi lại bộ đội cho dân muối để đưa về làng. “Hồi mình lớn lên thấy bà con làm hai ba cái nhà dài lắm, dài tới mấy chục sải tay. Theo chủ trương góp gạo nuôi quân, ăn no đánh thắng hằng ngày bà con lại gùi ra góp lúa vào những dãy nhà đó để cung cấp cho bộ đội” - A Hen kể.

Nồi cơm được nấu từ “lúa bọc thép” - Ảnh: T.B.D.

Lúa của Yàng
Mường Hoong, Ngọc Linh là hai xã nằm liền kề nhau thuộc huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum. Nhắc đến hai cái tên này, nhiều người ví đây là “Tây Bắc nằm giữa Tây nguyên” với địa hình đồi núi hiểm trở, nơi thâm sơn cùng cốc trên đỉnh Trường Sơn và có độ cao lớn nhất miền Nam.
Từ trung tâm xã Mường Hoong nhìn lên các đỉnh đồi, những ngôi làng nằm vắt vẻo trên đỉnh núi như treo giữa lưng chừng trời. Dưới chân các ngôi làng này dẫn về các thung lũng, các con suối, dòng sông lớn là bạt ngàn ruộng bậc thang. Nhiều người ngỡ rằng ruộng bậc thang chỉ xuất hiện nhiều ở các tỉnh Tây Bắc, nhưng ở giữa Tây nguyên người Xê Đăng, người Châu cũng đã tạo ra những cánh đồng ruộng bậc thang tuyệt mỹ. Ruộng được xẻ khắp nơi, từ chân ngôi nhà rông của làng về đến sát trung tâm xã. Trên các ruộng bậc thang này, trong cái lạnh thấu xương và mây mù ẩm ướt, những người dân Xê Đăng vẫn miệt mài đào cuốc, be bờ, cấy hái và tiếp tục tạo ra những thửa ruộng vàng óng.

Ông A Thao - nông dân trồng lúa ở làng Tu Chiêu (xã Mường Hoong) - cho biết cây lúa ở Ngọc Linh là loài cây đặc biệt. Để có thể làm ra được hạt lúa, người Xê Đăng hay người Châu đều phải tuân thủ những quy tắc đầy hà khắc về các nghi lễ cử lúa (cúng): từ khi hạt lúa được bắt đầu gieo hạt cho tới khi đưa lúa về kho người dân phải tiến hành bốn nghi thức cử lúa khác nhau.
Tháng tư hằng năm, khi cây cỏ dại đã ngả màu trên các triền đồi, gốc rạ đã chín gục đổ xuống mặt ruộng và hạt mưa trên rừng đã bắt đầu đổ về thì người Xê Đăng đem hạt lúa ra làm lễ cúng để chuẩn bị mùa vụ mới. Những hạt lúa giống đẹp nhất, to nhất được lựa chọn để soạn một mâm cúng cầu cho mùa màng bội thu. Hạt lúa giống khi ra đến ruộng cũng phải trải qua một nghi thức cúng khác: “cúng cử nước”. Trên đám ruộng đã được cày xới, làm sạch, người nông dân đẽo ống lồ ô rồi chạy lên đầu nguồn dẫn nước về ruộng. Con nước đầu tiên sạch sẽ, trong vắt được lấy một bát về để nấu bữa cơm, bữa cơm đó người làng phải mời các Yàng ăn để cầu cho hạt lúa khỏe mạnh, sớm nảy mầm lớn và cho bông trĩu nặng để kho lúa người Xê Đăng được đầy tràn. Ngoài ra khi lúa trổ bông và ngày thu hoạch lúa, người dân cũng phải tổ chức hai lễ cử khác nhau nữa. Lễ cử lớn nhất là lễ mừng lúa mới, ngày lễ ấy cả làng kiêng cữ, bỏ hết công việc và tùy theo điều kiện mà mổ heo, mổ gà để ăn mừng hạt lúa đầu tiên trong năm đi về kho thóc.
Ông A Ban - chủ tịch UBND xã Mường Hoong - nói rằng đến nay nhiều tập tục đã mất, nhưng bốn nghi thức cử lúa vẫn được người dân gìn giữ gần như nguyên vẹn. Cây lúa là loài cây của Yàng, loài cây thiêng nên mọi nghi lễ phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Những người phạm húy đều bị trừng trị bằng các cơn ốm đau hay những đợt tai ương đến với làng.
Trồng lúa dựa vào trời
Người dân trên thung lũng Mường Hoong và Ngọc Linh nhiều đời nay vẫn duy trì cách làm lúa cổ xưa: không dùng sức cơ giới, trâu bò và cũng không cần phân tro. Tất cả đều được thực hiện bằng bàn tay, đôi chân bé nhỏ của người Xê Đăng và dựa vào thiên nhiên.

Người dân nói rằng lúa là loài cây thiêng, từ xa xưa ông bà tổ tiên đã làm lúa bằng tay cuốc, châm giẫm nên đến nay thế hệ sau vẫn thực hiện y như thế. Hơn nữa ruộng bậc thang nằm treo ngược trên lưng chừng núi, diện tích nhỏ nên trâu bò không thể lên tới được. Trên những triền dốc dựng đứng, đến mùa khai hoang người nông dân góp công cùng nhau đào xới tạo ra những đám ruộng nhỏ. Đám ruộng nhỏ nằm phía trên lại gom nước, tạo mùn cho đám nhỏ hơn nằm bên dưới. Vào mùa trồng tỉa, người nông dân hùng hục đào xới, dẫn nước về đám ruộng và dùng châm giẫm những đám ruộng cho tới khi đất nhão thành bùn thì gieo hạt. Cây lúa từ khi được gieo xuống cho tới khi trổ bông, chín vàng cũng không dùng phân tro, kể cả phân trâu bò, để bón mà tất cả đều phải dựa vào nguồn phân tự nhiên, chất mùn của lá mục từ trên đỉnh núi theo nước dẫn về.
Ông A Tiên - phó bí thư Đảng ủy xã Ngọc Linh - nói rằng cách làm lúa này của người Xê Đăng là để giữ cho cây lúa thiêng được “sạch sẽ”, người Xê Đăng mặc dù sống treo trên các đỉnh núi nhưng không bao giờ phá rừng đầu nguồn. Rừng được giữ nguyên vẹn để tạo ra nước dẫn về các thung lũng, các đám ruộng bậc thang, giúp người dân dựa vào tự nhiên để tạo ra những mùa màng mà không cần phụ thuộc vào phân hóa học.
“Lúa bọc thép”
“Lúa bọc thép” là tên được cán bộ người Kinh lên Mường Hoong đặt cho loài lúa truyền thống của người dân ở đây. Loài lúa này có vỏ dày và đen nâu, cứng như... thép nên được gọi vui là “lúa bọc thép”.







Ông A Hen - chủ tịch xã Ngọc Linh - nói hiện nay đã có rất nhiều loài lúa mới năng suất cao được cán bộ đưa từ miền xuôi lên núi phổ biến cho dân nhưng người Xê Đăng vẫn không bỏ được loại lúa này. Để có thể nấu thành cơm, “lúa bọc thép” phải nấu tới 3-4 giờ, ăn rất khô và cứng. Thời gian sinh trưởng của loại lúa này cũng kéo dài gấp đôi các loại lúa mới khác.

Tác giả bài viết: THÁI BÁ DŨNG theo Báo Tuổi Trẻ

Nguồn phát: Nhật Trường Kon Tum

 Từ khóa: sâm dây kon tum

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tuyên bố trách nhiệm: Thông tin trên samtuoingoclinh.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên samtuoingoclinh.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
  • Xách ba lô lên tới Măng Đen Kon Tum,

    Xách ba lô lên tới Măng Đen Kon Tum, "Đà...

    Đến với Kon Tum, đến với Măng Đen, bạn được đến một cao nguyên đầy nắng và gió, nhưng Măng Đen cho bạn một cái gì đó nó rất khác, đối với riêng tôi, mỗi khi đến Măng Đen là một cảm giác gì đó tươi...

  • Tham quan bản làng của các dân tộc ở Kon...

    Tham quan bản làng của các dân tộc ở Kon...

    Tìm hiểu, chúng tôi biết thêm, nghề dệt thổ cẩm ở đây được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; người lớn truyền dạy cho lớp trẻ; cụ thể là phụ nữ/ con gái nhưng đơn lẻ chưa tập hợp thành tổ hợp...

  • Kon Tum: Chiêm ngưỡng chiếc cầu treo...

    Kon Tum: Chiêm ngưỡng chiếc cầu treo...

    Cầu treo Kon Klor đã trở thành niềm tự hào của người dân Kon Tum và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi ghé thăm mảnh đất này.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây