Bảo tồn và nhân trồng 65 cây thuốc quý

Chủ nhật - 24/05/2015 21:52
Viện Dược liệu đã nghiên cứu xác định được 134 loài cây thuốc có nguy cơ tuyệt chủng và nhân trồng được 65 loài ở các vườn dược liệu trên toàn quốc.
Cây bình vôi được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp
Cây bình vôi được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp
Viện còn bảo tồn giống một số loài thuốc quý trong ngân hàng hạt, góp phần cứu vãn những quần thể cây thuốc quý còn sót lại trong tự nhiên và mở ra triển vọng tạo thêm nguồn dược liệu.
 
Các nhà khoa học Nguyễn Tập, Phạm Thanh Huyền, Lê Thanh Sơn, Ngô Đức Phương và Ngô Văn Trại ở Viện Dược liệu đã tiến hành khảo sát, thu thập các loài cần được ưu tiên bảo tồn, dựa trên các tiêu chí: loài có ranh giới, phạm vi phân bố hẹp và số lượng cá thể ít hoặc loài tiêu biểu cho một dòng tiến hóa, có mức độ khác biệt cao về di truyền.
 
Trong số 134 loài được coi là có nguy cơ tuyệt chủng ở nước ta, nhóm nghiên cứu đã phân cấp mức độ ưu tiên theo ba nhóm.
 
Nhóm cực kỳ nguy cấp (CR) có 18 loài như ba gạc hoa đỏ, sâm vũ điệp, bình vôi, hoàng liên...
 
Nhóm nguy cấp (EN) có 42 loài. Đa số các loài như sâm Ngọc Linh, mã đâu linh, hoàng tinh vòng... vốn không thật hiếm song đã bị khai thác kiệt quệ, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời chúng sẽ chuyển sang nhóm cực kỳ nguy cấp.
 
74 loài còn lại được xếp ở dạng sẽ bị nguy cấp (VU). Đó là các loài vốn phân bố phổ biến nhưng bị khai thác tàn phá đến mức nghiêm trọng như hà thủ ô đỏ, đẳng sâm...
 
Từ nhiều năm qua, Viện Dược liệu đã thu thập hơn 500 loài cây thuốc, đem về trồng, nhân giống ở các vườn cây thuốc. 65 loài có nguy cơ cao đã được trồng ở Trạm nghiên cứu trồng cây thuốc Sa Pa (Lào Cai), Vườn trạm nghiên cứu trồng cây thuốc Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Vườn Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến thuốc Hà Nội (Thanh Trì), Vườn trung tâm nghiên cứu dược liệu bắc Trung Bộ (Thanh Hóa) và vườn bảo tồn cây thuốc vùng cao Phó Bảng (Đồng Văn - Hà Giang).
 
Các vườn thuốc này có đủ điều kiện giống như điều kiện sống tự nhiên của chúng và lý lịch thu thập, ngày trồng, tình hình sinh trưởng phát triển, ra hoa - quả... được ghi lại để đánh giá khả năng bảo tồn.
 
Ghi nhận của các nhà khoa học là 90% số loài thích nghi, sinh trưởng tốt. Mùa hoa quả của chúng trùng với cây mọc ngoài tự nhiên. Nhiều cây đã cho hạt giống và tạo ra các thế hệ tiếp theo. Hạt giống của nhiều loài như ba gạc, hoàng liên gai, hoàng liên ô rô... được bảo quản trong ngân hàng hạt.
 
Song song với việc bảo tồn nguồn gen quý, các nhà khoa học ở Viện Dược liệu chủ trương mở rộng phát triển và khai thác sử dụng, đưa vào nhân giống một số loài tại nơi chúng phân bố. Tam thất hoang, sì tô được trồng ở Sa Pa (Lào Cai), ngũ gia bì hương trồng ở Hà Giang, Lào Cai. Sâm Ngọc Linh phân bố ở một điểm duy nhất là núi Ngọc Linh (Quảng Nam và Kon Tum) đã bị khai thác hết trong tự nhiên.
 
Viện Dược liệu đã mang hạt được bảo quản về trồng chính tại núi Ngọc Linh. Bước đầu các loài này đều sinh trưởng tốt và Viện đang có kế hoạch đưa về trồng đại trà, sản xuất lớn trong cộng đồng dân cư.
sâm dây kon tum

Tác giả bài viết: Theo Đại Đoàn Kết

Nguồn phát: samtuoingoclinh.com

 Từ khóa: sâm dây kon tum

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Tuyên bố trách nhiệm: Thông tin trên samtuoingoclinh.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên samtuoingoclinh.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây