Thấp thỏm nghề “canh” sâm Ngọc Linh

Thứ năm - 30/07/2015 22:44
Phải qua một người bạn đủ tin cậy, tôi mới được chủ vườn sâm ở huyện Tu mơ rông (Kon Tum) Tô Mạnh Cường đồng ý cho lên núi Ngọc Linh “mục sở thị” vườn sâm rộng hai héc-ta anh đầu tư. Nạn trộm sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, Quảng Nam thời gian qua khiến các chủ vườn sâm Ngọc Linh tăng cường bảo vệ và cảnh giác hơn với người lạ. Không đến mức bí mật gọi là cây “thuốc giấu” như ngày xưa, nhưng vạt rừng nào trồng sâm giờ luôn phải được giữ kín.
Sâm Ngọc Linh ra hoa.
Sâm Ngọc Linh ra hoa.
Chủ vườn và những đứa trẻ ở làng Măng Rương 2 (Ngọc Lây, Tu Mơ Rông, Kon Tum) hướng dẫn tôi quấn xà cạp, xỏ giày leo núi, che mặt kín mít để bắt đầu hành trình lên quê hương của sâm Ngọc Linh. Mới chạm đến con dốc đầu tiên tim tôi bỗng đập liên hồi, chân muốn đổ khuỵu xuống, anh Cường ra hiệu tôi dừng chân, chặt gậy tre ven đường đưa cho tôi chống. Cậu bé làng Măng Rương 2 đưa thêm cho tôi chiếc kẹo, dặn leo núi nếu tụt huyết áp thì ngậm. “Đoạn vừa rồi mới chỉ bước khởi động, còn phải vượt vài con dốc, chui qua nhiều đoạn cây rừng đổ, tránh vô số vắt mới tới được vườn” – lũ trẻ dặn tôi trước khi chúng đi mất hút vào rừng xanh, dưới nắng gắt. Trong ba-lô, ngoài thức ăn gùi lên tiếp tế cho những người ở trên núi trông coi sâm, còn có gần 100 cây sâm giống đem lên trồng thêm, chúng phải đi nhanh tránh cho cây “say nắng”, khó bén đất. Chúng háo hức lên vườn sâm như về nhà mình, có đứa ở miết trên đó canh gác thay người lớn cả ngày lẫn đêm để giữ cây sâm không bị mất trộm.
sâm ngọc linh
Sau bốn tiếng đồng hồ, tôi cũng lên được vườn sâm. Dù mệt nhưng lòng đầy phấn chấn vì đã đến nơi “núi tổ” của sâm Ngọc Linh. Vườn sâm nằm ở độ cao chừng 1.700m so với mực nước biển, dưới tán rừng già quanh năm mát mẻ và được rào kín bằng dây thép gai. Những cây sâm thấp lè tè, lấp ló màu xanh trên lớp mùn dày của lá cây rừng rụng xuống. Anh Cường cho biết, hơn hai ngàn cây giống đã được “cõng” lên đây, thêm cả công sức phát thực bì, dẫn nước suối, mua máy phát thủy điện, thuê người chăm sóc, canh gác ngày đêm… tốn nhiều tiền đến mức anh không dám tính ra con số bao nhiêu tiền nữa. Thời điểm hiện nay, cây giống rẻ nhất là loại cây một năm tuổi giá 60 nghìn đồng, cứ thêm một năm tuổi, giá cây giống gấp đôi. Một cân sâm giá có khi lên tới 300 triệu đồng. Bởi vậy, nếu bị trộm “khoắng” cây giống hay củ sâm thì chủ vườn sau một đêm trắng tay như chơi. Bởi vậy, như vườn này, bốn người được thuê để canh giữ với nguyên tắc ai hỏi cũng không được hé lộ trong vườn trồng cây gì. Không ít chủ vườn nuôi chó canh trộm nhưng rồi đành dắt về, bởi trộm đâu chưa thấy, chó đã dẫm hỏng cây.
sâm ngọc linh
Giá trị nhất trong vườn sâm này là những cây sâm sáu năm tuổi. Nhổ thử lên xem, củ đã to gần bằng ngón tay cái. Nhiều luống sâm đang “ngủ đông”, chờ mưa rừng để bật lên bắt đầu một kỳ sinh trưởng mới. Nhưng được mong đợi nhất vườn lại là những cây sâm ra hoa, kết hạt để gây giống vì hiện nay cây giống khan hiếm vô cùng. Bởi vậy, khi cây sâm đang ngậm hạt, chúng thường được đào đưa đi trồng ở một nơi bí mật, được bảo vệ nghiêm ngặt, tránh bị trộm cắp và chuột ăn. Nói về sự phá hoại của chuột và sóc, những người trông vườn cho biết, chủ vườn nào cũng bất lực trước “cơn nghiện” sâm của những loài gặm nhấm này. Chống chuột, sóc còn gian nan vất vả hơn cả canh chừng kẻ trộm. Ngay khi vừa đặt chân lên vườn, tôi chứng kiến cảnh người trông vườn của anh Cường thẫn thờ khi bới cả luống sâm một năm tuổi tìm mầm, mới phát hiện đã bị chuột móc hết củ tự bao giờ. Người dân ở đây đặc biệt thích ăn món thịt chuột nên các chủ vườn bị cấm bẫy chuột bằng bả, bằng thuốc. Nghe nói, có chủ vườn đã phải hy sinh cả cân sâm giữa lúc đắt đỏ này để nhử chuột… Quả thật, trèo núi trồng sâm giờ không mệt bằng canh giữ sâm.
 
Qua năm năm trồng sâm trên núi Ngọc Linh, anh Cường nhận thấy thời tiết vùng Tu Mơ Rông này không thuận lợi trồng cây sâm như ở Quảng Nam vì mưa ít, mưa muộn, cây lên chậm đến sốt ruột. Mưa nắng đột ngột cũng khiến cây bị tổn thương, thối rễ, chết nhiều. Chăm cây sâm Ngọc Linh được ví như chăm trẻ nhỏ, lúc cây một đến ba tuổi rất dễ bị tổn thương trước mưa nắng, sâu bệnh nhưng khi đã vượt qua ngưỡng này thì cây cứ thế bám vào đất mùn, lớn lên theo những cơn mưa rừng. Hiện tại ở Kon Tum, sâm Ngọc Linh đã được “hạ sơn” đem về trồng dưới tán rừng ở độ cao thấp hơn, chừng tám trăm mét so với mực nước biển. Đến nay, sâm phát triển tương đương so với độ cao 1.200 đến 2.100m nơi sâm tự nhiên từng được phát hiện. Nếu việc trồng hạ dần độ cao thành công sẽ là cơ hội để trồng sâm Ngọc Linh đại trà, nhân rộng cho bà con nơi đây phát triển kinh tế.
 
Tuy nhiên, giấc mơ phủ xanh sâm Ngọc Linh dưới những tán rừng già của những nhà trồng sâm như anh Cường hiện gặp khó khăn do không đủ cây giống. Hai năm nay, khí hậu nóng lạnh bất thường khiến vi khuẩn phát triển mạnh, cây thối và sâu bệnh chết hàng loạt, có nơi đến 70% số cây giống bị chết. Bởi vậy, nhiều chủ vườn chưa nghĩ tới bán sâm mà cứ để sâm ra hoa, thu hạt, gây giống, trồng mở rộng dưới nhiều tán rừng nữa.
 
Dẫn tôi xuống núi khi trời đã chiều có anh A Nô, người làng Măng Rương. Anh Nô khoe từng đào được cả tạ sâm mọc tự nhiên trên rừng những năm trước và giờ là người tiên phong ở Tu Mơ Rông góp đất rừng liên kết với nhà đầu tư để trồng sâm, mong cây sâm mọc trở lại, đem đến đổi thay cho cuộc sống người dân nơi đây. Điều trăn trở với anh là người trồng sâm không thể nhắm mắt với thời tiết, sâu bệnh mà cần có sự góp tay của các nhà khoa học, ứng dụng công nghệ sinh học để cây sâm phát triển tốt hơn trong môi trường tự nhiên, hoang dã. Có như vậy, sau 10 năm nữa mới hy vọng sâm Ngọc Linh có đủ để bán đại trà, đưa giá về đúng giá trị thực chứ không phải giá khó kiểm soát, chất lượng bị trà trộn như hiện nay.
sâm dây kon tum

Tác giả bài viết: Theo Nhandan.org.vn

Nguồn phát: samtuoingoclinh.com

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Tuyên bố trách nhiệm: Thông tin trên samtuoingoclinh.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên samtuoingoclinh.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây